Chi tiết tin - Xã Hải Sơn - Hải Lăng

content:
Hình ảnh
Video clip
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập 2
  • Hôm nay 159
  • Tổng truy cập 1.458.528

DỰ KIẾN TÊN CÁC XÃ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN HẢI LĂNG ĐỂ LẤY Ý KIẾN NGƯỜI DÂN

12:49, Thứ Ba, 22-4-2025

1. Xã Hải Lăng

- Nhập toàn bộ diện tích và dân số của xã Hải Lâm, xã Hải Phú và xã Hải Thượng thành ĐVHC mới có diện tích 116,89 km2 (đạt 389,63% tiêu chuẩn), quy mô dân số 16.589 người (đạt 103,68% tiêu chuẩn).

- Từ Bắc vào Nam, 03 xã Hải Thượng, Hải Phú, Hải Lâm là cửa ngõ của huyện Hải Lăng hiện nay, đây được xem là những nơi giàu truyền thống cách mạng của huyện Hải Lăng. Nơi đây, lưu giữ nhiều chứng tích của một thời lịch sử oai hùng: Chi khu quân sự Mai Lĩnh, Bia Tưởng niệm 7 dũng sỹ Phường Sắn,...; là địa phương cấp xã đầu tiên của cả nước xây dựng Khu tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; việc đặt tên Hải Lăng là muốn lưu giữ lại địa danh đã gắn bó với quê hương Hải Lăng, gợi nhớ về truyền thống cách mạng, quá trình hình thành và phát triển của quê hương Hải Lăng anh hùng.

2. Xã Diên Sanh

- Nhập toàn bộ diện tích và dân số của xã Hải Trường, thị trấn Diên Sanh và xã Hải Định thành ĐVHC mới có diện tích 87,97km2 (đạt 293,23% tiêu chuẩn), quy mô dân số 25.133 người (đạt 157,08% tiêu chuẩn).

- Tên Diên Sanh đã được cấp có thẩm quyền đặt tên là thị trấn Diên Sanh của huyện Hải Lăng. Quy mô thị trấn Diên Sanh không chỉ giới hạn ở phạm vi làng Diên Sanh cũ mà đã được mở rộng thêm nhiều đơn vị để trở thành trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của huyện Hải Lăng. Trước đây, theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, huyện Hải Lăng có “...Lỵ sở và trường học trước ở xã Diên Sanh...”. Tên Diên Sanh đã đi vào trong dân gian. Diên Sanh được hiểu là cây đời “Đừng than phận khó ai ơi, còn da lông mọc, còn chồi nảy cây...”, đây còn là biểu tượng của ý chí, không bao giờ khuất phục, ý thức của sự vươn lên, sự lạc quan, tin tưởng vào tương lai.

3. Xã Mỹ Thủy

- Nhập toàn bộ diện tích và dân số của xã Hải An, xã Hải Khê và xã Hải Dương thành ĐVHC mới có diện tích 43,82 km2 (đạt 146,07% tiêu chuẩn), quy mô dân số 17.171 người (đạt 107,32% tiêu chuẩn).

- Mỹ Thủy là vùng bờ biển thuộc huyện Hải Lăng, được nhiều người biết đến không chỉ có bãi tắm đẹp mà còn là vùng đất cách mạng, một trong những địa danh lịch sử, gắn liền với cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc của quân và dân Hải Lăng (địa điểm cuộc thảm sát Mỹ Thủy năm 1948 là di tích xếp hạng cấp quốc gia). Hiện nay, Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị với dự án Cảng nước sâu Mỹ Thủy và nhiều dự án động lực khác đang triển khai đầu tư tạo đột phá cho sự phát triển, là điểm hẹn của tương lai, là trái tim của Khu kinh tế Đông Nam và là lối ra về phát triển đột phá kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Trị hiện nay. Trong tương lai Mỹ Thủy sẽ vươn tầm không chỉ trong tỉnh mà còn với cả nước, khu vực và quốc tế.

4. Xã Vĩnh Định

- Nhập toàn bộ diện tích và dân số của xã Hải Quy, xã Hải Hưng và xã Hải Bình thành ĐVHC mới có diện tích 63,85 km2 (đạt 212,83% tiêu chuẩn), quy mô dân số 26.737 người (đạt 167,11% tiêu chuẩn)

- Sông Vĩnh Định được Vua Minh Mạng cho khơi đào vào năm 1825 xuyên qua nhiều làng xã của huyện Hải Lăng, con sông Vĩnh Định bắt đầu chảy vào huyện Hải Lăng từ xã Hải Quy, tiếp đó đi qua các xã Hải Hưng, Hải Bình và một số xã khác của huyện Hải Lăng ngày nay trước khi thông vào Phá Tam Giang, Thành phố Huế ngày nay, trở thành tuyến giao thông thủy quan trọng nối Quảng Trị với kinh thành Huế, đồng thời, đảm bảo việc cung cấp nước tưới, tiêu úng và điều hòa lượng nước trong khu vực. Vĩnh Định đã gắn bó với tiềm thức của Nhân dân nơi đây, có ý nghĩa là sự ổn định lâu dài.

5. Xã Câu Nhi

- Nhập toàn bộ diện tích và dân số của xã Hải Sơn, xã Hải Phong và xã Hải Chánh thành ĐVHC mới có diện tích 114,84 km2 (đạt 382,8% tiêu chuẩn), quy mô dân số 25.536 người (đạt 159,60% tiêu chuẩn).

- Câu Nhi được thành lập vào năm 1429, sớm nhất của vùng Hải Lăng, thời vua Lê Thánh Tông (1466), Câu Nhi là một trong 48 xã của huyện Hải Lăng; dưới thời nhà Nguyễn, Câu Nhi là một trong 6 xã thuộc Tổng An Thư. Di tích đình làng Câu Nhi được công nhận là di tích cấp quốc gia. Nhắc đến 03 xã Hải Phong, Hải Sơn, Hải Chánh là nhắc đến quê hương của vùng đất hiếu học từ xưa đến nay, quê hương của nho sĩ Bùi Dục Tài, vị tiến sĩ đầu tiên của xứ Đàng Trong, được sắc tứ vinh quy, được khắc tên ở bia đá Văn Miếu. Việc lấy tên Câu Nhi nhằm khơi gợi về vùng đất hiếu học, nhắc cho thế hệ trẻ sau này noi gương, phấn đấu trong học tập để góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

 

Các tin khác